8 lỗi vi phạm phổ biến với xe PKL và cách xử lý

Để tránh bị công an giao thông “thổi còi”, thì đầu tiên tốt nhất là bạn nên đi đúng luật trước đã! Nhớ đầy đủ gương, nón và giấy tờ, đặc biệt là bằng lái A2 nếu xe biển A. Bài viết này mình xin chia sẻ chút kinh nghiệm tích góp sau vài năm chơi xe và xe PKL, cũng không ít lần bị các anh thổi vào.

Giữ thái độ chấp hành, bình tĩnh và điềm đạm

Mỗi khi bị túyt còi, hãy thật bình tĩnh, hít một hơi, bấm nút tắt máy chứ đừng chớ dại mà tắt chìa khoá vì thường CSGT không biết “cào cào” nói riêng hay PKL nói chung chìa gắn đâu, nên không cần lo. Lúc này nên cởi nón và găng tay cho tiện làm việc, và cũng thể hiện mình là người biết điều, trong lúc này hãy cố nhớ lại xem mình có vi phạm gì hay không để biết đường mà đối đáp

Lưu ý : nếu có Gopro gắn trên nón là một lợi thế trong việc đàm phán, nên “On” trước khi làm việc với CSGT.

Chủ động hỏi lỗi vi phạm

Nên chủ động hỏi mình đã vi phạm lỗi gì, hay chỉ kiểm tra hành chính. Nếu chỉ kiểm tra hành chính thì đưa giấy tờ cho các anh kiểm tra. Đừng dại dột đòi phải xem chuyên đề cho bằng được vì nếu đang trong chuyên đề thì báo đài đều có đưa tin trước đó, không đọc tin tức là lỗi của bạn. Còn chưa gì đã lên giọng đòi cái này cái kia thì khả năng bạn bị thu xe lên phường là rất cao

Nếu câu trả lời là không phải kiểm tra hành chính, thì bạn dứt khoát phải yêu cầu cụ thể về việc phạm lỗi gì. Tại sao phải như vậy? Vì đó chính là điểm mấu chốt để giành thế chủ động và dẫn dắt tình huống. Đa phần người mới chơi xe khi gặp công an bị ngoắc vào đều khá lúng túng và như bị thôi miên, kêu gì làm nấy. Hoặc thậm chí đóng “phạt nóng” luôn mà còn chưa biết lỗi gì. Tệ hơn là bị giữ luôn bằng lái hoặc cavet xe không trả, đi làm lại còn phiền phức hơn là đóng phạt.

Tiếp tục với tình huống không phải vi phạm chuyên đề, và bạn có khả năng đã phạm lỗi gì đó. Và sau đây là một số lỗi thường gặp và cách xử lý:

Rẽ không xi nhan

CSGT ở SG rất hay bắt lỗi này, thậm chí lập chốt hàng ngày để bắt, đặc biệt là những góc đường khuất, đường đông xe và tâm lý ỷ y không ai để ý xi nhan thế là dính. Nên tập thói quen bật xi nhan trước các góc đường thì sẽ không phải sợ lỗi này nữa.

Lấn làn, chạy sai làn đường

Lỗi này đa phần xe mô tô và phân khối lớn rất hay phạm vì nếu chỉ chạy lane trong thì đi tay ga cho nó nhàn :)). Nhưng các bạn nên tập thói quen lưu ý các bảng chỉ dẫn làn đường để có gì còn có cơ sở mà tranh luận với mấy ảnh. Thông thường đường có 3 làn thì xe hai bánh đi đc hai làn trong cùng.

Lưu ý: xe hai bánh vẫn có luật chuyển làn phải bật xi nhan báo rẽ, chứ không riêng gì bốn bánh

Ở nhiều đoạn cua phổ biến như Bình Chánh, Bến Lức… hay như mấy đoạn đường cong, rất hay bị bắt lỗi không xi nhan nhưng thực ra là bắt lỗi chuyển làn không xi nhan. Lỗi này đa phần nhiều người chạy xe máy chưa biết nên tâm lý cứ thấy công an là vội vàng tấp ngay vào làn trong và thế là phạm lỗi ngay, khỏi cãi.

Mức phạt tầm 300.000 -400.000đ cho lỗi này.

8 lỗi vi phạm phổ biến với xe PKL và cách xử lý

Không gương, không kính chiếu hậu

Gương hậu bên trái chính là bắt buộc. Những xe PKL, superbike và cafe racer thường gắn gương ở phía dưới ghi đông, làm cho công an khó thấy và dễ bị thổi vào. Luật không quy định phải gắn trên hay gắn dưới, chỉ quy định là gắn chỗ nào thấy đc phía sau, có thể điều chỉnh được, và đường kính hình tròn lọt lòng gương tối thiểu 70mm, thế thôi. Mức phạt cho lỗi này từ 100.000 – 200.000đ

Không mũ bảo hiểm:

Lỗi này thì không còn gì để nói nữa :).

Ống xả ồn ào

Hành vi độ lại pô, dù chưa gây ra bất kỳ hậu quả gì nhưng nếu bị phát hiện vẫn sẽ bị xử phạt từ 800.000đ. Nếu bạn hành xử và điều khiển xe như người văn minh, hẳn pô của bạn cho dù độ nhưng cũng không quá gây khó chịu cho người đi đường, thì khi bị thổi vào công an cũng sẽ cân nhắc khi xử phạt.

Đèn hậu, biển số không đúng quy định

Biển số đút gầm hoặc gắn lệch một bên sẽ bị phạt tiền nếu bị phát hiện. Đèn hậu to quá cũng có thể che mất một phần biển số và làm cho bạn dễ bị thổi hơn. Tiền nhận biển số không đáng bao nhiêu , nhưng mức phạt cho lỗi này sẽ từ 100.000đ – 200.000đ

Không bằng lái

Lỗi này phạt rất nặng, đặc biệt là bằng A2. Một số người chưa lấy bằng nhưng nóng lòng mua xe về trải nghiệm thì rất dễ bị thổi. Mức phạt lỗi không bằng lái A2 ở mức vài triệu, và cao hơn hẳn tiền thi bằng lái A2.

Không giấy tờ xe, cavet

không mang cavet và không có cavet là hai lỗi rất khác nhau nhé, và không có cavet đồng nghĩa với việc bạn đi xe gian (lỗi rất nặng). Nên lưu ý cách nói và cách mà công an lập biên bản.

Thái độ vẫn hơn trình độ

Tóm cái váy lại, trong mọi tình huống, cho dù anh em là ai thì thái độ của chúng ta vẫn hơn trình độ. Có chơi có chịu, đã sai thì nhận và đóng phạt. Đừng lúc nào cũng đổ lỗi cho cảnh sát giao thông. Sở hữu xe PKL cũng đồng nghĩa với việc sở hữu trách nhiệm lớn hơn khi hoạt động xe trên đường, vì một cú vặn ga vô trách nhiệm thôi là bạn đã có thể gây nguy hiểm cho nhiều ngưới khác chứ không riêng gì bản thân bạn.

Hãy giúp cho cộng đồng chơi xe tại Việt Nam văn minh và lành mạnh bằng việc chấp hành luật giao thông!

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*